Huyện Bàu Bàng nằm ở phía Bắc của tỉnh Bình Dương, cách thành phố Thủ Dầu Một khoảng 35km về hướng Bắc và cách Tp. HCM khoảng 70km theo hướng Quốc lộ 13. Huyện có 07 xã gồm: Cây Trường 2, Trừ Văn Thố, Tân Hưng, Lai Uyên, Hưng Hòa, Lai Hưng và Long Nguyên. Ranh giới hành chính của Huyện được xác định như sau:

  • Phía Bắc giáp huyện Chơn Thành – tỉnh Bình Phước.
  • Phía Nam giáp thị xã Bến Cát – tỉnh Bình Dương.
  • Phía Tây giáp huyện Dầu Tiếng – tỉnh Bình Dương.
  • Phía Đông giáp huyện Phú Giáo, huyện Bắc Tân Uyên – tỉnh Bình Dương.

Tổng diện tích tự nhiên (DTTN) năm 2015 toàn huyện Bàu Bàng là 34.002,11ha, dân số khoảng 85.431 người, chiếm 12,59% diện tích và 4,55% dân số tỉnh Bình Dương. Mật độ dân số bình quân 251 người/km2, xếp thứ 6 so với 9 đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Bình Dương.

Bản đồ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của huyện Bàu Bàng
Bản đồ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của huyện Bàu Bàng

Tải File gốc: TẠI ĐÂY

I. Nhu cầu sử dụng đất các ngành, lĩnh vực của huyện Bàu Bàng

Trên cơ sở kết quả đăng ký Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của các ngành, các cấp có liên quan đến sử dụng đất trên địa bàn huyện; đồng thời cân nhắc khả năng đầu tư thực hiện trong giai đoạn 2016-2020, dự báo nhu cầu sử dụng đất trong kỳ điều chỉnh quy hoạch 2016-2020 ở huyện Bàu Bàng như sau:

1. Nhóm đất nông nghiệp

– Đất trồng cây hàng năm khác: Năm 2015, toàn Huyện có 631,80ha, chiếm 1,86% diện tích tự nhiên, tập trung nhiều ở các xã Lai Hưng, Long Nguyên và xã Lai Uyên, chủ yếu trồng các loại rau màu và khoai mì… Dự kiến đến năm 2020 diện tích đất trồng cây hàng năm khác còn khoảng 200,0ha, giảm 431,80ha so với hiện trạng 2015.

– Đất trồng cây lâu năm: Là loại đất chiếm tỷ lệ lớn trong tổng diện tích tự nhiên ở huyện Bàu  Bàng (68,73%) và cũng là đối tượng chính để chuyển đổi mục đích sang đất phi nông nghiệp và các loại đất khác nên xu thế đất trồng cây lâu năm sẽ giảm so với hiện trạng năm 2015. Cân đối khả năng chuyển đổi, dự kiến đến năm 2020 đất trồng cây lâu năm ở Bàu Bàng còn khoảng 24.405,62ha, giảm 3.333,24ha so với hiện trạng 2015. Trong đất cao su khoảng 22-23 ngàn ha, đất cây ăn quả khoảng 350ha, điều khoảng 60ha, hồ tiêu 120ha.

– Đất nuôi trồng thủy sản: Ổn định diện tích đất nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện khoảng 12,79ha, chủ yếu tập trung ở xã Lai Uyên 6,46ha, xã Long Nguyên là 3,79ha, xã Trừ Văn Thố 1,64ha và xã Lai Hưng 0,90ha.

– Đất nông nghiệp khác: Tiếp tục dành quỹ đất để phát triển chăn nuôi tập trung, chăn nuôi trang trại với điều kiện nằm cách xa các khu dân cư, các công trình công cộng… để xử lý ô nhiễm môi trường. Cụ thể, sẽ bố trí khu chăn nuôi tập trung (mời gọi đầu tư) tại ấp Cầu Đôi, ấp Cầu Sắt (Lai Hưng) quy mô khoảng 50,0ha và trên địa bàn các xã khác. Tổng diện tích đất nông nghiệp khác năm 2020 là 264,79ha, tăng 111,75ha so với hiện trạng 2015, diện tích tăng thêm được lấy từ đất trồng cây lâu năm.

2. Đất phi nông nghiệp

2.1. Nhu cầu sử dụng đất quốc phòng

Dự kiến đến năm 2020 nhu cầu sử dụng đất quốc phòng của huyện Bàu Bàng là 73,13ha, tăng 54,36ha so với hiện trạng năm 2015. Diện tích tăng thêm là do chuyển từ đất trồng cây lâu năm và đất chưa sử dụng, cụ thể trong giai đoạn 2016-2020 sẽ xây dựng những công trình sau:

  • Ban CHQS huyện Bàu Bàng 3,26ha (Lai Uyên) lấy từ đất chưa sử dụng.
  • Trạm thông tin quân sự 0,32ha (Lai Hưng) lấy từ đất trồng cây lâu năm.
  • Thao trường huấn luyện 9,67ha (Lai Hưng) lấy từ đất trồng cây lâu năm.
  • Trụ sở xã đội xã Hưng Hòa 2,10ha lấy từ đất trồng cây lâu năm.
  • Khu căn cứ chiến đấu 31,0ha (Long Nguyên) lấy từ đất trồng cây lâu năm.
  • Đơn vị đóng quân của BCHQS tỉnh 8,0ha lấy từ đất trồng cây lâu năm.
  • Trung đội dân quân thường trực 0,09ha (Lai Uyên).

2.2. Nhu cầu sử dụng đất an ninh

Dự kiến đến năm 2020 nhu cầu sử dụng đất an ninh của huyện Bàu Bàng là 45,36ha, tăng 3,71ha so với hiện trạng năm 2015. Diện tích tăng thêm là do chuyển từ đất trồng cây lâu năm, đất phát triển hạ tầng và đất xây dựng trụ sở cơ quan, cụ thể trong giai đoạn 2016-2020 sẽ xây dựng những công trình sau:

  • Trụ sở công an xã Lai Hưng 0,20ha, lấy từ đất xây dựng trụ sở cơ quan.
  • Trụ sở công an xã Cây Trường 2: 0,20ha lấy từ đất trồng cây lâu năm.
  • Trụ sở công an xã Trừ Văn Thố 0,32ha lấy từ đất trồng cây lâu năm.
  • Trụ sở công an xã Hưng Hòa 0,09ha lấy từ đất trạm y tế.
  • Trụ sở công an xã Long Nguyên 0,30ha lấy từ đất trồng cây lâu năm.
  • Trụ sở công an xã Lai Uyên 0,30ha lấy từ đất trồng cây lâu năm.
  • Trụ sở công an xã Tân Hưng 0,30ha lấy từ đất trồng cây lâu năm.
  • Đội Cảnh sát PC&CC Khu vực Hưng Hoà 1,0ha (Hưng Hoà).
  • Đội Cảnh sát PC&CC Khu vực Cây Trường 2 1,0ha (Cây Trường).
  • Đội Cảnh sát PC&CC Khu vực Long Nguyên 1,0ha (Long Nguyên).
  • Đồn công an khu công nghiệp Bàu Bàng 0,5ha (Lai Uyên).
  • Đồn công an khu công nghiệp Tân Bình 0,5ha (Hưng Hoà).
  • Trung tâm huấn luyện PCCC&CHCN Cảnh sát PC&CC tỉnh Bình Dương (cơ sở 2) 1,50ha tại  xã Lai Hưng.

2.3. Nhu cầu sử dụng đất Khu công nghiệp

Hiện tại trên địa bàn huyện Bàu Bàng có Khu công nghiệp Bàu Bàng (Giai đoạn 1) với điện tích 999,06ha nằm trên 02 xã Lai Uyên và Lai Hưng đã được lấp đầy 100%. Dự kiến năm 2020 diện tích đất khu công nghiệp sẽ là 3.284,93ha, tăng 2.285,87ha so với hiện trạng năm 2015. Diện tích tăng là do chuyển từ đất trồng cây lâu năm, cụ thể trong giai đoạn 2016-2020 sẽ đầu tư xây dựng mới những khu công nghiệp sau:

  • Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng 892,20ha (Lai Uyên, Cây Trường 2).
  • Khu công nghiệp Tân Bình 95,10ha (Hưng Hòa).
  • Khu công nghiệp Cây Trường 700ha (Cây Trường 2). – Khu công nghiệp Lai Hưng 600ha (Tân Hưng).
Pháp lý khu đô thị Bàu Bàng.
Bản đồ quy hoạch khu Công nghiệp và Đô thị Bàu Bàng

2.4. Nhu cầu sử dụng đất thương mại dịch vụ

Dự kiến diện tích năm 2020 là 80,72ha, tăng 52,72ha so với hiện trạng năm 2015. Do xây dựng khu Trung tâm thương mại dịch vụ 2,76ha thuộc khu trung tâm hành chính và các công trình công cộng huyện Bàu Bàng, xây dựng siêu thị Bàu Bàng 0,71ha (Lai Uyên); Xây dựng khu Logistics trên địa bàn huyện khoảng 20ha; đồng thời dành quỹ đất thương mại – dịch vụ phát triển dọc các tuyến đường chính như Quốc lộ 13, đường Hồ Chí Minh, ĐT750, ĐT741B, ĐT749A.

2.5. Nhu cầu sử dụng đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp

Dự kiến năm 2020 có diện tích là 886,61ha, tăng 141,39ha so với hiện trạng năm 2015. Diện tích tăng là do trong giai đoạn 2016-2020 sẽ bố trí quỹ đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp khoảng 100ha trên địa bàn toàn huyện và cân đối quỹ đất để hình thành các công ty.

2.6. Nhu cầu sử dụng đất phát triển hạ tầng

a). Đất giao thông

– Hệ thống đường cao tốc, quốc lộ: Duy tu bảo dưỡng tuyến Quốc lộ 13; tiến hành đầu tư xây dựng tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua huyện Bàu Bàng dài 11km (hiện đã được giải phóng mặt bằng và rải cấp phối đá dăm). Xây dựng mới tuyến đường tạo lực Mỹ Phước – Bàu Bàng, đoạn qua huyện dài 6,8km để kết nối khu đô thị – công nghiệp Bàu Bàng và khu đô thị – công nghiệp Bàu Bàng mở rộng tạo động lực thúc đẩy, giao lưu, tập kết hàng hóa từ khu công nghiệp Bàu Bàng đi hệ thống các cảng biển phía Nam như Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu.

Đồng thời còn dành quỹ đất để xây dựng tuyến cao tốc Tp. HCM – Chơn Thành, đoạn qua huyện dài 6,6km, quy hoạch đạt tiêu chuẩn đường cao tốc với 6 – 8 làn xe. Xây dựng tuyến đường Hồ Chí Minh mới đoạn qua huyện Bàu Bàng dài khoảng 9,3km, lộ giới đường rộng 100m. Xây dựng đường Đường tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng đoạn qua huyện Bàu Bàng dài khoảng 9,1km, lộ giới đường rộng 40m.

– Hệ thống đường tỉnh: Tiếp tục đầu tư nâng cấp 05 tuyến đường tỉnh hiện hữu là: ĐT741B, ĐT749A, ĐT749C, ĐT750 đạt tiêu chuẩn đường theo quy hoạch. Mở mới tuyến ĐT745A: Điểm đầu giao Vành Đai 4 tại xã Tân Lập, Bắc Tân Uyên theo đường Bố Lá – Bến Súc đến Tân Hưng, theo hướng Tây đi trùng Mỹ Phước –Tân Vạn đoạn qua KCN Bàu Bàng, qua Long Nguyên đến giao ĐT744 tại Thanh Tuyền, quy hoạch đạt tiêu chuẩn đường cấp II với 6 làn xe, lộ giới 60m.

– Hệ thống đường huyện: Trên địa bàn huyện có 14 tuyến đường huyện với tổng chiều dài 83,28km, tỷ lệ nhựa hóa đạt 83,84%. Giai đoạn 2016-2020 sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp theo định hướng đã được duyệt theo các đồ án Quy hoạch nông thôn mới của các xã. Đây là hệ thống đường giao thông quan trọng kết nối các xã, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội các xã nói riêng và của huyện nói chung. Quy hoạch đạt tiêu chuẩn cấp IV, mặt nhựa rộng 7m, nền đường 9m, lộ giới 32m.

– Hệ thống đường giao thông nông thôn: Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống giao thông nông thôn phù hợp với quy hoạch nông thôn mới của từng xã trên địa bàn nhằm tạo sự gắn kết, liên hoàn thông suốt từ hệ thống giao thông quốc gia đến đường tỉnh, đường huyện, đường xã; giữa các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa lớn, vùng nguyên liệu với các khu, cụm công nghiệp chế biến, giữa sản xuất- chế biến và tiêu thụ; Đồng thời kết hợp giữa phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng.

Xem thêm:  Thành phố Thủ Đức và các thông tin mới nhất năm 2023

Lộ giới các tuyến đường xã, đường giao thông nông thôn tuân thủ theo Quy hoạch nông thôn mới của các xã đã được duyệt. Tuy nhiên, ở những xã có điều kiện thì đề xuất quy hoạch đạt cấp VI, mặt rộng 5,5m, nền rộng 8,5m, lề đường mỗi bên 1,5m với lề gia cố 0,5m, hành lang bảo vệ mỗi bên 4m, lộ giới 20m theo Quy hoạch tổng thể giao thông vận tải tỉnh Bình Dương đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

– Đường sắt: Tuyến đường sắt Dĩ An – Lộc Ninh nằm trong chiến lược phát triển GTVT và đường sắt VN đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt. Đoạn đi qua huyện Bàu Bàng dài khoảng 20km, trong tương lai khi tuyến đường sắt này đi vào hoạt động, lưu lượng vận tải hàng hóa bằng loại hình này sẽ gia tăng vì vận tải được khối lượng lớn và chi phí vận chuyển rẻ. Góp phần thúc đẩy giao lưu hàng hóa đưa ngành kinh tế mũi nhọn của huyện là công nghiệp sẽ phát triển vượt bậc. Tại Bàu Bàng sẽ có ga đường sắt Bàu Bàng, vị trí ga đường sắt dự kiến đặt tại khu vực ngã 3 Đường ĐT749C giao với QL13.

– Bến xe: Bến xe Bàu Bàng được quy hoạch gần nút giao vòng xoay đường NC và DC đạt tiêu chuẩn bến loại 2, diện tích 10.000 m2. Quy hoạch bến xe Bus 0,20ha (Cây Trường 2).

Với định hướng phát triển hệ thống giao thông như trên, nhu cầu đất giao thông trên địa bàn huyện đến năm 2020 là 1.653,72ha, tăng thêm 265,51ha so với năm 2015.

b). Đất thủy lợi

   Đầu tư xây dựng hệ thống thuỷ lợi huyện Bàu Bàng phải phù hợp với quy hoạch của tỉnh Bình Dương, gắn với xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân, xây dựng hồ chứa nước khu công nghiệp, hệ thống xử lý nước, công trình tưới tiêu, thoát nước mùa mưa…

Dự kiến năm 2020, đất thủy lợi có diện tích 271,54ha, tăng 76,63ha so với hiện trạng năm 2015. Diện tích tăng thêm là do chuyển từ đất trồng cây lâu năm, cụ thể trong giai đoạn 2016-2020 sẽ xây dựng những công trình thủy lợi sau:

  • Dự án tuyến ống dẫn nước về trung tâm đô thị Bắc Bình Dương 22,20ha (Lai Hưng, Lai Uyên, Tân Hưng, Trừ Văn Thố).
  • Hệ thống dẫn nước và hồ chứa nước về KCN Bàu Bàng 43,0ha (Lai Uyên, Trừ Văn Thố).
  • Hệ thống cấp nước khu liên hợp công nghiệp và đô thị Becamex Bình Phước và vùng lân cận 2,4ha (Trừ Văn Thố).
  • Nhà máy nước xã Hưng Hòa 0,20ha (Hưng Hòa).
  • Nhà máy nước xã Long Nguyên 0,30ha (Long Nguyên).
  • Trạm cấp nước sạch 0,23ha (Cây Trường 2).
  • Trạm cấp nước xã Tân Hưng 2,0ha (Tân Hưng).
  • Công trình thoát nước hồ Từ Vân và vùng hạ lưu 6,30ha (Lai Hưng).
c). Đất công trình năng lượng

Để phục vụ mục tiêu cung cấp đủ điện ổn định cho sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn huyện Bàu Bàng. Trong giai đoạn 2016-2020 sẽ đầu tư các công trình như sau:

  • Đầu tư xây dựng đường điện 500KV Đức Hòa – Chơn Thành. Đây là công trình cấp quốc gia đi qua 02 xã Trừ Văn Thố, Cây Trường 2 với chiều dài khoảng 15km. Diện tích đất thu hồi vĩnh viễn để xây dựng hệ thống móng trụ khoảng 4,50ha.
  • Xây dựng hệ thống móng trụ đường dây 110KV đấu nối vào trạm Lai Hưng 0.08ha.
  • Đường điện ấp 3 (Khu vực Bàu Tảo) 4,19ha (Tân Hưng).
  • Xây dựng trạm biến áp 220KV 5,10ha (Lai Hưng).
  • Xây dựng trạm biến áp 110KV 0,40ha (Lai Hưng).

Như vậy, dự kiến nhu cầu đất truyền dẫn năng lượng đến năm 2020 ở huyện Bàu Bàng là 13,83ha, tăng 10,05ha so với hiện trạng năm 2015.

d). Đất công trình bưu chính viễn thông

Từ nay đến 2020, nhằm phục vụ cho nhu cầu ngày càng tăng của người dân, khắc phục tình trạng quá tải tại một số khu vực tập trung đông dân cư, sẽ tăng cường thêm số điểm phục vụ. Cụ thể:

  • Xây dựng bưu điện huyện Bàu Bàng 0,06ha (Lai Uyên).
  • Xây dựng bưu cục Lai Hưng 0,03ha (Lai Hưng).
  • Tăng thêm 30 điểm đại lý tại khu vực: Cây Trường 2 – Trừ Văn Thố; khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng, khu công nghiệp Lai Hưng; khu vực Tân Hưng –Hưng Hòa…

Như vậy, dự kiến nhu cầu sử dụng đất Bưu chính viễn thông huyện Bàu Bàng đến năm 2020 là 0,71ha, tăng 0,09ha so với hiện trạng năm 2015.

e). Đất cơ sở văn hóa

Trong những năm tới cần ưu tiên đất và huy động các nguồn lực vào xây dựng các công trình văn hoá đáp ứng yêu cầu nâng cao hưởng thụ về văn hóa tinh thần của nhân dân ở khu vực nông thôn, đặc biệt đáp ứng nhu cầu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các xã.

Dự kiến đến năm 2020 bố trí quỹ đất xây dựng hệ thống trung tâm văn hoá xã, thiết chế văn hóa, khu văn hóa thể thao, khu vui chơi… Cụ thể sẽ xây dựng các công trình sau:

– Tuyến huyện: Xây dựng Trung tâm văn hóa – Thể thao huyện quy mô khoảng 2,96ha nằm trong Khu hành chính và các công trình công cộng huyện Bàu Bàng (91,03ha).

– Tuyến xã: Bố trí quỹ đất để xây dựng các cơ sở văn hóa – thể thao còn thiếu cho các xã nhằm đạt tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Cụ thể bố trí quỹ đất cho công trình như sau:

  • Trung tâm văn hóa xã Trừ Văn Thố 0,32ha.
  • Trung tâm văn hóa thể thao xã Long Nguyên 3,0ha.
  • Trung tâm văn hóa thể thao và công trình công cộng xã Cây Trường 2 diện tích 10ha.

Như vậy, nhu cầu đất cơ sở văn hoá đến năm 2020 trên địa bàn huyện Bàu Bàng là 49ha, tăng 48,86ha so với hiện trạng năm 2015.

f). Đất cơ sở y tế

   Trong giai đoạn 2016-2020, ngành Y tế huyện Bàu Bàng sẽ thực hiện những nhiệm vụ sau:

   – Phát triển y tế nhằm tạo cơ hội thuận lợi cho mọi người dân được bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ với chất lượng ngày càng cao, phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội của huyện.

   – Thực hiện chăm sóc sức khỏe (CSSK) toàn diện: gắn phòng bệnh với chữa bệnh, phục hồi chức năng. Kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền dân tộc.

   – Đẩy mạnh xã hội hóa các thành phần, đầu tư phát triển các dịch vụ chăm sức khỏe. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các dịch vụ chăm sóc bảo vệ sức khỏe, trong đó ngành y tế giữ vai trò nòng cốt về chuyên môn và kỹ thuật.

   – Phấn đấu để mọi người dân trong huyện được hưởng các dịch vụ Chăm sóc sức khỏe ban đầu, tiếp cận đầy đủ các chương trình, chính sách y tế của Nhà nước. Đến năm 2020 và các năm tiếp theo, 100% nhân dân được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày càng cao, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân huyện được đáp ứng đầy đủ.

   – Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, cần triển khai xây dựng một số công trình y tế như sau:

  • Trung tâm y tế Huyện Bàu Bàng 3,43ha (Lai Uyên).
  • Trạm y tế xã Long Nguyên 0,5ha.
  • Mở rộng trạm y tế các xã: Tân Hưng từ 0,09ha lên 0,20ha; Cây Trường 2 từ 0,13ha lên 0,15ha; Lai Hưng từ 0,06ha lên 0,25ha; Trừ Văn Thố từ 0,16ha lên 0,20ha; Lai Uyên 0,28ha lên 0,30ha.

Đến năm 2020, đất y tế trên địa bàn huyện Bàu Bàng khoảng 6,01ha, tăng 4,66ha so với hiện trạng năm 2015.

g). Đất cơ sở giáo dục – đào tạo

– Xây dựng mạng lưới trường học phát triển đồng bộ về số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020 trên địa bàn huyện; thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục các bậc học, cấp học một cách toàn diện và bền vững.

Tiếp tục đầu tư phát triển giáo dục theo hướng “chuẩn hoá, hiện đại hoá và xã hội hoá” với hệ thống trường, lớp học phát triển hài hoà, đồng bộ ở từng bậc học, cấp học trên địa bàn, đặc biệt là xây dựng hoàn thiện căn bản mạng lưới trường mầm non, các trường trọng điểm chất lượng cao và các trường đạt chuẩn quốc gia.

– Phát triển hệ thống, loại hình giáo dục – đào tạo đa dạng, khuyến khích xã hội hóa đầu tư hệ thống giáo dục ngoài công lập góp phần đáp ứng nhu cầu học tập và nâng cao dân trí, nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

– Phấn đấu đến năm 2020, ngành giáo dục và đào tạo huyện Bàu Bàng hoàn thành các chương trình mục tiêu quốc gia, hoàn thành các chỉ tiêu về giáo dục và đào tạo theo Quy hoạch chung của tỉnh Bình Dương; đổi mới toàn diện và hiệu quả chất lượng các cấp, hoàn thiện hệ thống giáo dục và loại hình giáo dục nhằm tạo mọi điều kiện để người dân học tập và nâng cao trình độ chuyên môn; phấn đấu phát triển chất lượng giáo dục và đào tạo góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, nhân tài đáp ứng sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Nhu cầu sử dụng đất:

– Bậc học mầm non – mẫu giáo (MN-MG): Hiện tại, trên địa bàn huyện Bàu Bàng có 12 trường mầm non (trong đó có 10 trường công lập, 2 trường ngoài công lập. Quỹ đất xây dựng hệ thống trường lớp bậc mầm non – mẫu giáo hiện còn thiếu so với nhu cầu phát triển. Để đáp ứng nhu cầu của bậc học mầm non – mẫu giáo, dự kiến đến năm 2020 tiến hành xây dựng mới một số điểm trường sau:

  • Trường mầm non Long Nguyên 2,02ha.
  • Trường mầm non Hưng Hòa 1 diện tích 3,2ha (cạnh TTVH xã Hưng Hòa).
  • Trường mầm non Hưng Hòa 2 diện tích 2,0ha.
  • Trường mẫu giáo Tân Hưng 4,0ha.
  • Trường mẫu giáo Lai Uyên (Vành Khuyên) 1,50ha.
Xem thêm:  Quy hoạch chung xây dựng Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2025

– Bậc tiểu học (TH): Hiện tại toàn huyện Bàu Bàng có 12 trường tiểu học (trong đó có 07 trường được lầu hóa, 04 trường đạt chuẩn quốc gia), được phân bố khá đều về không gian địa bàn các xã.

Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về giáo dục và phát huy công tác phổ cập giáo dục bậc tiểu học, dự kiến đến năm 2020 trên địa bàn huyện Bàu Bàng sẽ tiến hành xây dựng mới thêm 02 điểm trường: Trường tiểu học Trừ Văn Thố 1,25ha và Trường tiểu học Bàu Bàng 1,60ha (Lai Uyên).

– Bậc trung học cơ sở (THCS): Trên địa bàn huyện Bàu Bàng có 6 trường trung học cơ sở (trong đó có 04 trường được lầu hóa, 03 trường đạt chuẩn quốc gia). Trong giai đoạn 2016-2020 sẽ đầu tư xây dựng mới thêm 04 trường sau:

  • Trường THCS Tân Hưng 4,0ha.
  • Trường THCS Cây Trường 2 diện tích 1,29ha.
  • Trường THCS Trừ Văn Thố 1,37ha.
  • Trường THCS tạo nguồn Lai Uyên 3,52ha.
  • Trường THCS Long Nguyên 3,0ha.

– Đất giáo dục khác: Bố trí quỹ đất cho xây dựng Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Bàu Bàng 3,0ha (Lai Uyên), các công trình giáo dục đã được chấp thuận chủ trương trong thời gian qua gồm: Khu đô thị đại học Cổng xanh 547,0ha (Hưng Hòa); Trường đại học Y dược 115ha (Hưng Hòa) (dự kiến thực hiện một phần đến năm 2020 và tiếp tục triển khai diện tích còn lại sau năm 2020).

Dự kiến nhu cầu đất giáo dục – đào tạo đến năm 2020 trên địa bàn huyện Bàu Bàng khoảng 251,7ha, tăng 221,41ha so với hiện trạng năm 2015.

h). Đất cơ sở thể dục – thể thao

Phát triển thể dục thể thao là yếu tố quan trọng để nâng cao thể chất, tinh thần của con người có thể lực tốt, có thể chất mạnh là yêu cầu của một xã hội văn minh. Do đó, phải duy trì và phát triển phong trào thể dục- thể thao quần chúng cho mọi đối tượng.

Hiện trạng năm 2015, toàn huyện Bàu Bàng có 11,16ha, dự kiến đến năm 2020 diện tích 110ha (tăng 98,84ha so với hiện trạng 2015). Diện tích tăng do thực hiện các công trình:

  • Sân bóng xã Trừ Văn Thố 2,0ha.
  • Khu văn hóa – thể thao ấp Đồng Chèo 0,80ha (Lai Uyên).
  • Khu VHTT xã Tân Hưng 1,82ha (Tân Hưng).
  • Trung tâm VHTT xã Cây Trường 2 diện tích 1,30ha.
  • Cụm văn hóa – sân vận động xã Hưng Hòa 2,20ha.
  • Đất thể thao trong khu đô thị H.Bàu Bàng 93ha.
i). Đất chợ

Dự kiến nhu cầu đất chợ đến năm 2020 trên địa bàn huyện Bàu Bàng khoảng 9,52ha, tăng 4,58ha so với hiện trạng năm 2015. Trong giai đoạn 2016-2020 sẽ đầu tư xây dựng các công trình sau:

  • Mở rộng chợ Cây Trường 2 từ 0,28ha lên 0,35ha.
  • Mở rộng chợ Trừ Văn Thố từ 0,25ha lên 0,35ha.
  • Xây dựng chợ Lai Hưng 0,50ha.
  • Xây dựng chợ Long Nguyên 0,70ha.
  • Xây dựng chợ Tân Hưng 0,50ha.
  • Xây dựng chợ Lai Uyên 0,50ha.
  • Xây dựng chợ – khu thương mại Hưng Hòa 1,80ha.

2.7. Nhu cầu sử dụng đất có di tích lịch sử – văn hóa

Dự kiến năm 2020 có diện tích 6,62ha, tăng 4,37ha so với hiện trạng năm 2015. Diện tích tăng thêm là do chuyển từ đất trồng cây lâu năm và đất xây dựng trụ sở cơ quan, cụ thể trong giai đoạn 2016-2020 sẽ bố trí quỹ đất để xây dựng những công trình sau:

  • Xây dựng Đài liệt sỹ 0,17ha (Cây Trường 2), là phần diện tích được lấy từ đất của UBND xã Cây Trường 2.
  • Khu di tích ấp Bến Tượng 0,20ha (Lai Hưng). – Di tích ấp Dinh Điền 2,0ha (Trừ Văn Thố).

2.8. Nhu cầu sử dụng đất bãi thải, xử lý chất thải

Trên địa bàn huyện Bàu Bàng hiện có trạm trung chuyển rác tại xã Trừ Văn Thố, xã Lai Hưng và bãi rác tại xã  Long Nguyên với tổng diện tích đất bãi thãi, xử lý chất thải là 2,61ha. Dự kiến trong kỳ điều chỉnh 2016-2020 sẽ xây dựng trạm trung chuyển rác thải (Lai Uyên) 1,50ha. Như vậy, đến năm 2020 tổng nhu cầu đất bãi thãi, xử lý chất thải là 4,11ha.

2.9. Nhu cầu sử dụng đất ở

– Định hướng phát triển: Với định hướng thúc đẩy quá trình đô thị hoá trên địa bàn huyện, về lâu dài dân cư nông thôn ở huyện Bàu Bàng sẽ giảm dần do quá trình đô thị hoá (Khu vực trung tâm, các dự án khu dân cư sẽ được tổ chức lại thành thị trấn, các khu đô thị…); tỷ lệ dân cư nông thôn và lao động nông nghiệp sẽ dần bị thu hút sang các khu vực đô thị với các ngành dịch vụ, thương mại, du lịch ngày càng phát triển. Do đó, việc bố trí dân cư sẽ được tổ chức lại theo định hướng như sau:

  • Bố trí dân cư nông thôn tập trung tại các trung tâm cụm xã, trung tâm xã đã được quy hoạch để thuận lợi cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng.
  • Tiếp tục bố trí các tuyến dân cư dọc theo các tuyến lộ giao thông chính gắn với vùng sản xuất nông nghiệp để vừa kết hợp sản xuất vừa phát triển dịch vụ – thương mại.
  • Xác định Khu công nghiệp đô thị Bàu Bàng là trung tâm huyện Bàu Bàng, đồng thời là trung tâm của huyện. Trong khu vực có 7 khu dân cư do Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp TNHH MTV Becamex làm chủ đầu tư gồm: Khu dân cư 5A, 5B, 5C, 5D, 5E, 5F, khu dân cư Lai Hưng và khu nhà ở thương mại A8 do Công ty CP phát triển đô thị làm chủ đầu tư. Ngoài ra, tập trung phát triển đô thị tại Long Nguyên và Lai Hưng để từng bước nâng cấp thành thị trấn Long Nguyên và thị trấn Lai Hưng trong thời gian tới.

– Nhu cầu sử dụng đất: Với định hướng phát triển dân cư như trên, dự kiến nhu cầu đất ở trên địa bàn huyện đến năm 2020 khoảng 901,31ha, với năm 2015. Cụ thể:

  • Dự án khu nhà ở thu nhập thấp Huỳnh Gia Phát 2,66ha (Lai Uyên).
  • Khu dân cư NTM Huỳnh Gia Phát 8,0ha (Lai Uyên).
  • Khu đô thị Royal Town 53,90ha (Lai Uyên).
  • Khu dân cư ấp Bà Tứ 71,0ha (Cây Trường 2).
  • Khu dân cư Bàu Bàng 851ha (Lai Uyên, Trừ Văn Thố).
  • Cho phép chuyển mục đích từ đất chưa sử dụng sang đất ở tại các khu dân cư 5A, 5B, 5C, 5D, 5E, 5F (Thuộc khu công nghiệp và đô thị Bàu Bàng) với tổng diện tích khoảng 703,51ha.

2.10. Nhu cầu sử dụng đất xây dựng trụ sở cơ quan

Dự kiến năm 2020 có diện tích là 122,54ha, tăng 104,03ha so với hiện trạng năm 2015. Cụ thể trong giai đoạn 2016-2020 sẽ xây dựng các công trình sau:

  • Xây dựng Khu trung tâm hành chính và các công trình công cộng huyện Bàu Bàng 91,03ha thuộc địa bàn xã Lai Uyên.
  • Khu hành chính thị trấn Lai Uyên 3,0ha (Lai Uyên).
  • Khu hành chính mới (Trụ sở cơ quan, trường mầm non, trường THCS xã Long Nguyên) khoảng 10ha.
  • Đất làm kho vật chứng 0,5ha (Lai Uyên).

2.11. Nhu cầu sử dụng đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng

Hướng phát triển là thu hút đầu tư xây dựng các nghĩa trang theo mô hình công viên nghĩa trang, nhằm đảm bảo mỹ quan, hạn chế ô nhiễm môi trường. Theo đó, trong giai đoạn 2016-2020 sẽ bố trí quỹ đất để xây dựng 05 công trình: Công viên văn hóa nghĩa trang huyện Bàu Bàng 3,0ha, nghĩa trang Cây Trường 4,2ha, khu nghĩa địa tập trung huyện Bàu Bàng 2ha, nghĩa trang Long Nguyên mở rộng 6,12ha (tăng 3ha), nghĩa trang Hưng Hoà 4,0ha, đất nghĩa địa cũ 1,5ha.

Như vậy, dự kiến nhu cầu sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng đến năm 2020 là 53,96ha, tăng 17,82ha so với hiện trạng năm 2015.

2.12. Nhu cầu sử dụng đất sản xuất VLXD, làm đồ gốm

Dự kiến năm 2020 tổng nhu cầu đất sản xuất VLXD, làm đồ gốm là 72,2ha tăng 20,25ha so với hiện trạng năm 2015, toàn bộ diện tích nằm trên địa bàn xã Long Nguyên.

2.13. Nhu cầu sử dụng đất sinh hoạt cộng đồng

Để đạt tiêu chí về xây dựng nông thôn mới thì các ấp phải có trụ sở hoạt động. Do đó, trong giai đoạn 2016-2020 sẽ tiến hành xây dựng Văn phòng và khu văn hóa thể thao các ấp với quy mô khoảng 500-5.000m2/ấp. Cụ thể:

  • Xây dựng văn phòng ấp 3 (Trừ Văn Thố) 0,12ha.
  • Xây dựng văn phòng ấp Bàu Bàng 0,05ha (Lai Uyên).
  • Xây dựng văn phòng ấp Cây Sắn 0,12ha (Lai Uyên).
  • Xây dựng văn phòng ấp Bàu Hốt 0,70ha (Lai Uyên).
  • Xây dựng văn phòng ấp Bến Tượng A 0,10ha (Lai Hưng).
  • Xây dựng văn phòng ấp Lai Khê A 0,10ha (Lai Hưng).
  • Xây dựng văn phòng và khu văn hóa thể thao các ấp 1, 2, 3 ,4, 5 (Tân Hưng) 0,30ha/ấp.
  • Xây dựng văn phòng và khu văn hóa thể thao các ấp 1, 2, 3 ,4, 5, 6 (Hưng Hòa) 0,30ha/ấp.

Như vậy, dự kiến nhu cầu sử dụng đất sinh hoạt cộng đồng đến năm 2020 là 10,75ha, tăng 4,99ha so với hiện trạng năm 2015.

3. Đất chưa sử dụng

Diện tích đất chưa sử dụng hiện trạng năm 2015 là 878,66ha. Đất chưa sử dụng ở huyện Bàu Bàng chủ yếu là phần diện tích đã giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nhưng tại thời điểm thống kê đất đai 01/01/2016 vẫn chưa được đưa vào sử dụng theo quy định.

Dự kiến trong kỳ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất 2016-2020 sẽ đưa toàn bộ diện tích này vào sử dụng. Cụ thể: Sử dụng vào mục đích đất quốc phòng 3,26ha; Đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp 9,81ha; Đất ở 708,02ha; Đất xây dựng trụ sở cơ quan 89,4ha; Đất phát triển hạ tầng 68,18ha.

II. Tổng hợp, cân đối các chỉ tiêu sử dụng đất của huyện Bàu Bàng

1. Diện tích các loại đất đã được cấp trên phân bổ

1.1. Phân bổ đất nông nghiệp đến năm 2020

Đến năm 2020, diện tích đất nông nghiệp tỉnh Bình Dương phân bổ cho huyện Bàu Bàng là 25.075,20ha, phù hợp với chỉ tiêu do huyện quy hoạch và cao hơn 2.351,31ha so với quy hoạch được duyệt theo Quyết định 680/QĐ-UBND, giảm 3.461,30ha so với hiện trạng năm 2015.

Xem thêm:  Quy hoạch chung của thành phố Đồng Xoài đến năm 2025

– Đất trồng cây hàng năm khác: Chỉ tiêu cấp tỉnh phân bổ đến năm 2020 là 200,0ha, phù hợp với chỉ tiêu do huyện quy hoạch và giảm 431,80ha so với hiện trạng 2015.

– Đất trồng cây lâu năm: Chỉ tiêu cấp tỉnh phân bổ đến năm 2020 là 24.517,00ha, cao hơn 111,38ha so với chỉ tiêu do huyện quy hoạch, cao hơn 2.203,12ha so với quy hoạch được duyệt theo Quyết định 680/QĐ-UBND, giảm 3.333,24ha so với hiện trạng 2015. Diện tích giảm do chuyển sang đất phi nông nghiệp và đất nông nghiệp khác.

– Đất nuôi trồng thủy sản: Chỉ tiêu cấp tỉnh phân bổ đến năm 2020 là 12,79ha, phù hợp với chỉ tiêu do huyện quy hoạch, cao hơn 6,93ha so với quy hoạch được duyệt theo Quyết định 680/QĐ-UBND. Đến năm 2020, huyện Bàu Bàng sẽ không phát triển thêm đất nuôi trồng thủy sản mà sẽ ổn định diện tích 12,79ha như năm 2015.

1.2. Phân bổ đất phi nông nghiệp đến năm 2020

Đến năm 2020, diện tích đất phi nông nghiệp tỉnh Bình Dương phân bổ cho huyện Bàu Bàng là 8.926,91ha, phù hợp với chỉ tiêu do huyện quy hoạch, thấp hơn 2.264,89ha so với quy hoạch được duyệt theo Quyết định 680/QĐ-UBND, tăng 4.339,96ha so với hiện trạng năm 2015. Cụ thể diện tích từng chỉ tiêu trong nhóm đất phi nông nghiệp đến năm 2020 như sau:

– Đất quốc phòng: Cấp tỉnh phân bổ đến năm 2020 là 73,13ha, phù hợp với chỉ tiêu cấp huyện quy hoạch, cao hơn 7,42ha so với quy hoạch được duyệt theo Quyết định 680/QĐ-UBND, tăng 54,35ha so với hiện trạng năm 2015. Diện tích tăng được chuyển từ đất trồng cây lâu năm 51,09ha và đất chưa sử dụng 3,26ha.

– Đất an ninh: Cấp tỉnh phân bổ đến năm 2020 là 45,36ha, phù hợp với chỉ tiêu cấp huyện quy hoạch, thấp hơn 195,66ha so với quy hoạch được duyệt theo Quyết định 680/QĐ-UBND, tăng 3,71ha so với hiện trạng năm 2015. Diện tích tăng được chuyển từ đất trồng cây lâu năm 3,42ha, đất phát triển hạ tầng 0,09ha và đất chưa sử dụng 0,20ha.

– Đất khu công nghiệp: Cấp tỉnh phân bổ đến năm 2020 là 3.284,93ha, phù hợp với chỉ tiêu cấp huyện quy hoạch, cao hơn 484,18ha so với quy hoạch được duyệt theo Quyết định 680/QĐ-UBND, tăng 2.285,87ha so với hiện trạng năm 2015. Diện tích tăng được chuyển từ đất trồng cây lâu năm.

– Đất thương mại dịch vụ: Tỉnh phân bổ đến năm 2020 là 80,72ha, phù hợp với chỉ tiêu do quy hoạch sử dụng đất huyện xác định và tăng 52,72ha so với hiện trạng năm 2015. Diện tích tăng được chuyển từ đất trồng cây lâu năm.

– Đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp: Cấp tỉnh phân bổ chỉ tiêu đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp đến năm 2020 ở huyện Bàu Bàng là 886,61ha, phù hợp với chỉ tiêu cấp huyện quy hoạch, thấp hơn 438,14ha so với quy hoạch được duyệt theo Quyết định 680/QĐ-UBND, tăng 141,39ha so với hiện trạng năm 2015.

– Đất phát triển hạ tầng: đến năm 2020 diện tích đất phát triển hạ tầng 2.366,ha, thấp hơn 1.055,75ha so với quy hoạch được duyệt theo Quyết định 680/QĐ-UBND, tăng 720,94ha so với hiện trạng năm 2015.

– Đất có di tích lịch sử – văn hoá: Cấp tỉnh phân bổ chỉ tiêu đất có di tích lịch sử – văn hoá đến năm 2020 ở Bàu Bàng là 6,62ha, phù hợp với chỉ tiêu cấp huyện quy hoạch, cao hơn 6,62ha so với quy hoạch được duyệt theo Quyết định 680/QĐ-UBND, tăng 4,37ha so với hiện trạng năm 2015. Diện tích tăng được chuyển từ đất trồng cây lâu năm.

– Đất bãi thải, xử lý chất thải: Tỉnh phân bổ đến năm 2020 là 4,11ha, phù hợp với chỉ tiêu do quy hoạch sử dụng đất huyện xác định, thấp hơn 1,12ha so với quy hoạch được duyệt theo Quyết định 680/QĐ-UBND, tăng 1,50ha so với hiện trạng năm 2015. Diện tích tăng được chuyển từ đất trồng cây lâu năm.

– Đất ở tại nông thôn: Cấp tỉnh phân bổ chỉ tiêu đất ở tại nông thôn đến năm 2020 ở huyện Bàu Bàng là 901,31ha, cấp huyện quy hoạch là 1.609,33ha, cao hơn 708,02ha so với chỉ tiêu cấp tỉnh phân bổ, thấp hơn 455,04ha so với quy hoạch được duyệt theo Quyết định 680/QĐ-UBND, tăng 878,02ha so với hiện trạng năm 2015.

– Đất xây dựng trụ sở cơ quan: Cấp tỉnh phân bổ chỉ tiêu đất xây dựng trụ sở cơ quan đến năm 2020 ở huyện Bàu Bàng là 122,54ha, phù hợp với chỉ tiêu cấp huyện quy hoạch, cao hơn 53,77ha so với quy hoạch được duyệt theo Quyết định 680/QĐ-UBND, tăng 104,03ha so với hiện trạng năm 2015.

– Đất cơ sở tôn giáo: Ổn định đất cơ sở tôn giáo 4,77ha đến năm 2020.

– Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng: diện tích đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng đến năm 2020 ở huyện Bàu Bàng là 53,96ha, thấp hơn 15,18ha so với chỉ tiêu cấp tỉnh phân bổ, thấp hơn 6,95ha so với quy hoạch được duyệt theo Quyết định 680/QĐ-UBND, tăng 17,82ha so với hiện trạng năm 2015. Diện tích tăng được chuyển từ đất trồng cây lâu năm.

1.3. Phân bổ đất chưa sử dụng đến năm 2020

Quy hoạch sử dụng đất huyện Bàu Bàng xác định đến năm 2020 chuyển toàn bộ diện tích 878,66ha đất chưa sử dụng sang các mục đích khác nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất (Phù hợp với chỉ tiêu quy hoạch được duyệt theo Quyết định 680/QĐ-UBND), trong đó:

  • Chuyển sang đất quốc phòng 3,26ha;
  • Đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp 9,81ha;
  • Đất ở 708,02ha;
  • Đất xây dựng trụ sở cơ quan 89,40ha;
  • Đất phát triển hạ tầng 68,18ha.

Như vậy, đến năm 2020 trên địa bàn huyện Bàu Bàng không còn diện tích đất chưa sử dụng, phù hợp với chỉ tiêu cấp tỉnh phân bổ.

2. Diện tích các loại đất do huyện quy hoạch

– Đất nông nghiệp khác: Tổng diện tích đất nông nghiệp khác năm 2020 là 264,79ha, tăng 111,75ha so với hiện trạng 2015. Diện tích tăng thêm được lấy từ đất trồng cây lâu năm, chủ yếu sử dụng vào mục đích xây dựng trang trại chăn nuôi heo, gia cầm và bò thịt theo hướng trang trại – công nghiệp.

– Đất sản xuất VLXD, làm đồ gốm: Dự kiến năm 2020 tổng nhu cầu đất sản xuất VLXD, làm đồ gốm là 72,2ha, tăng 20,25ha so với hiện trạng năm 2015.

– Đất sinh hoạt cộng đồng: Quy hoạch đến năm 2020 có diện tích là 10,75ha, tăng 4,99ha so với hiện trạng năm 2015. Diện tích tăng thêm được chuyển từ đất trồng cây lâu năm 4,94ha và đất phát triển hạ tầng 0,05ha.

– Đất khu vui chơi, giải trí công cộng: năm 2020 có diện tích 50,12ha tăng 50ha so với hiện trạng 2015 để bố trí đất khu vui chơi, giải trí công công phục vụ nhu cầu người dân.

– Đất cơ sở tín ngưỡng: ổn định diện tích 0,92ha như hiện trạng 2015.

– Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối: ổn định diện tích 226,62ha như năm 2015.

– Đất có mặt nước chuyên dùng: ổn định diện tích 27,37ha như năm 2015.

– Đất phi nông nghiệp khác: Ổn định diện tích 0,45ha như hiện trạng 2015.

III. Diện tích chuyển mục đích phải xin phép trong kỳ cuối (2016-2020)

Diện tích cần chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp trong kỳ điều chỉnh 2016-2020 là 3.461,3ha. Trong đó, diện tích đất trồng cây hàng năm khác là 431,80ha, đất trồng cây lâu năm là 3.029,49ha. Diện tích chuyển đổi cơ cấu trong nội bộ đất nông nghiệp là 303,75ha.

VI. Chỉ tiêu sử dụng đất theo khu chức năng

– Khu vực chuyên trồng cây công nghiệp lâu năm: Dự kiến diện tích đất trồng cây lâu năm khoảng 24.405,62ha, giảm 3.333,24ha để chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của huyện Bàu Bàng trong những năm tiếp theo. Trong đất cây lâu năm chủ yếu là phát triển cây cao su vốn là thế mạnh trong nông nghiệp của huyện Bàu Bàng.

– Khu vực công nghiệp: Dự kiến quy mô 3.284,93ha, bao gồm: Khu công nghiệp Lai Hưng 600,0ha (Tân Hưng), khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng 892,20ha (Lai Uyên – Cây Trường 2), khu công nghiệp Cây Trường 700,0ha (Cây Trường 2) và khu công nghiệp Tân Bình 95,10ha (Hưng Hòa).

Trong giai đoạn tới sẽ tập trung mọi nguồn lực thu hút đầu tư, xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng trong các khu công nghiệp, nâng cao tỷ lệ lấp đầy trong các khu công nghiệp được quy hoạch. Các công ty, xí nghiệp công nghiệp hiện hữu trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường sẽ được di dời vào khu công nghiệp.

– Khu đô thị, thương mại và dịch vụ: Gồm phần diện tích khu vực trung tâm huyện (Khu đô thị Bàu Bàng) và trung tâm 07 xã thuộc huyện Bàu Bàng. Trong giai đoạn tới, cần tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng, tăng cường đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, dịch vụ và vui chơi giải trí nhằm tạo đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường. Dành quỹ đất thoả đáng để xây dựng các công trình hạ tầng có vai trò kết nối giữa trung tâm huyện đến trung tâm xã.

Khu đô thị Bàu Bàng
Phối cảnh Khu đô thị Bàu Bàng

– Khu ở, làng nghề, sản xuất phi nông nghiệp nông thôn: Hiện nay, các khu ở nông thôn đất nông nghiệp chiếm tỷ lệ rất lớn, trên 70% diện tích đất khu dân cư nông thôn, mà chủ yếu là đất trồng cây lâu năm. Do đó, khả năng tự giãn trong các khu dân cư nông thôn hiện có là rất lớn.

Vì vậy, trong giai đoạn tới cần tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng vào các khu, tuyến dân cư hiện có để đạt tiêu chí về xây dựng nông thôn mới; tập trung mở rộng các khu, tuyến dân cư hiện có để đáp ứng nhu cầu về giãn dân tại chỗ; chỉ mở mới các cụm, tuyến dân cư ở những khu vực cần thiết.

Trên đây là một phần trích dẫn quan trọng “Báo cáo tóm tắt Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 huyện Bàu Bàng”, quý vị nếu có nhu cầu muốn tìm hiểu thêm các mục khác thì có thể tải tài liệu về theo đường dẫn bên dưới. Cảm ơn bạn đã quân tâm đến bài viết của chúng tôi.

TẢI TÀI LIỆU VỀ

Nguồn: Trang điện tử huyện Bàu Bàng

Xem thêm:

Danh sách căn hộ Bình Dương