Theo số liệu báo cáo của công ty DKRA Việt Nam, giá căn hộ tại thành phố Hồ Chí Minh ở hầu hết các hạng mục A, B, C tường ứng cao cấp, trung cấp, và bình dân đều tăng 50% trong chu kì 2015-2019. Cụ thể giá bán bình quân đối với căn hộ cao cấp đã tăng từ 40tr/m2 năm 2015 lên 57tr/m2 vào năm 2018. Đáng chú ý trong 8 tháng đầu năm 2019, giá chung cư cao cấp đã tăng vọt lên 61tr/m2, tăng 7% so với 3 tháng đầu năm.
Theo DKRA, 61tr/m2 chỉ là mức giá bình quân, còn nếu tính giá cao nhất thì thị trường chung cư tại Tp.Hồ Chí Minh đã xuất hiện căn hộ hạng sang với giá hàng trăm triệu đồng mỗi mét vuông. Trong khi đó căn hộ trung cấp đã nhích từ mức giá bình quân 21tr/m2 ở cuối năm 2015 lên 31tr/m2 tính đến tháng 08/2019, tăng 3%.

Cũng trong 5 năm, giá chung cư bình dân đã tăng từ 16 lên 24tr/m2. Trong 12 tháng gần đây, giá căn hộ bình dân đã tăng đến 9%. DKRA Việt Nam cho rằng trong những tháng cuối năm 2019 giá căn hộ tại Tp. Hồ Chí Minh có thể vẫn tiếp tục gia tăng, nguyên nhân là do thời gian chuẩn bị thủ tục pháp lý của các dự án kéo dài hơn so với trước đây khiến cho nguồn cung bị khan hiếm.
Thành phố hiện có hơn 476 ngàn hộ chưa có nhà ở hoặc đang sống chung với người thân, chiếm gần 1/4 tổng số hộ gia đình, trong đó 20 ngàn hộ cán bộ công chức chưa sở hữu nhà ở, 300 ngàn hộ có nhu cầu thuê mua nhà ở xã hội, hơn 55 ngàn hộ sống trên và ven kênh rạch, sống trong các khu chung cư cũ cần được cải tạo, tái định cư.

So với năm 2009, thì hiện dân số Tp. Hồ Chí Minh đã tăng 1,8 triệu người, trung bình tăng 183 ngàn người một năm trong 10 năm gần đây. Trong thời gian tới, phát triển nhà ở nói chung, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp vẫn là nhiệm vụ hàng đầu của thành phố để bảo đảm an sinh xã hội về nhà ở.
Theo các chuyên gia trong việc phát triển nhà ở, thành phố cần phải cải tạo lại chung cư cũ và chỉnh trang, di dời tái định cư nhà trên và ven kênh rạch, cần kết hợp với chỉnh trang khu vực lân cận, hạn chế việc phát triển các dự án nhỏ ở các quận ven và ngoại thành. Quản lý chặt hoạt động tách thửa và xử lý nghiêm hoạt động phân lô bán nền trái phép dẫn đến nguy cơ phá vỡ quy hoạch đô thị, đầu cơ tạo các cơn sốt ảo giá đất, khó thu hút các nhà đầu tư lớn.

Để góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở cấp thiết cho người dân thì Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HOREA) đã đề nghị cho phép doanh nghiệp phát triển các dự án nhà trọ, phòng trọ để giải quyết nhu cầu chỗ ở của sinh viên, công nhân, lao động, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư.
Đồng thời với thực trạng có đến khoảng 42% nhà ở có diện tích dưới 30m2/căn, thậm chí có đến 22,4% nhà ở dưới 20m2/căn, HOREA cho rằng có thể quy định mức diện tích tối thiểu được tách thửa thấp hơn, thay vì 36m2, 50m2, 80m2 như quy định diện tích tối thiểu hiện nay. Ngoài ra cần xem xét hợp pháp hóa nhà ở và cấp sổ đỏ cho căn nhà nhỏ của người có thu nhập thấp, người nghèo.
Theo FBNC
Xem thêm: